Hiện nay, bệnh nha chu ngày càng phổ biến nhưng khó phát hiện do những triệu chứng thường dễ bị người bệnh bỏ qua. Nha chu không được điều trị có thể mất răng và viêm rộng vào xương.
Bệnh nha chu là gì?
Nha là răng, chu là chu vi xung quanh răng. Nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, giữ răng trong xương hàm. Một chiếc răng lành mạnh thường được giữ trong xương hàm bởi: xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Nướu ôm sát lấy răng để che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng.
Nướu tốt là nền tảng cho hàm răng tốt. Nha chu liên quan trực tiếp đến mô nâng đỡ quanh chân răng, bao gồm các bệnh của nướu và các bệnh lý phá hủy mô nâng đỡ sâu bên dưới nướu. Bệnh nha chu la nguyên nhân chính gây bệnh mất răng.
Tại sao ta lại bị bệnh nha chu?
Nguyên nhân chính của bệnh nha chu là do tình trạng vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho các mảng thức ăn bám dọc theo theo cổ răng, khe răng tạo nên một màng kết dính gần như trong suốt bám vào răng mỗi ngày. Vi khuẩn tích tụ trong mảng bám này sẽ sinh ra độc tố gây viêm nướu răng. Theo thời gian mảng bám bị vôi hóa (cứng dần) thành vôi răng (còn gọi là cao răng).
Khi ấy, nướu bị viêm nặng hơn và sẽ phá hủy các mô nướu và làm cho chúng không bám dính với răng, giai đoạn này được gọi là viêm nha chu. Một khi tình trạng viêm tấy và mô nướu bị tổn thương, thì có nhiều yếu tố khác có thể góp phần làm cho bệnh nha chu nặng hơn và bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn nhủ là:
• Hút thuôc hoặc nhai thuốc
• Vệ sinh răng miệng không tốt
• Kiềng răng không tốt
• Răng không khít
• Trám răng lồi lõm
• Thức ăn vướng vào kẻ răng
• Nghiến răng
• Chế độ dinh dưỡng kém
• Có thai hoặc sử dụng thuốc ngừa thai đường uống
• Mắc bệnh liên quan hệ thống miễn dịch như bệnh tiểu đường hoặc AIDS
• Đang sử dụng một số dược phẩm nhất định
Các dấu hiệu của nha chu
Trong khi những triệu chứng ban đầu của bệnh nha chu chỉ có nha sĩ mới phát hiện ra được, thì cũng có những dấu hiệu khác cho thấy bệnh đang bắt đầu tiến triển. Các triệu chứng như:
– Nướu bị chảy máu khi chảy răng.
– Nướu bị sung đỏ, dễ chảy máu.
– Vôi răng đóng ở cổ răng.
– Hơi thở có mùi hôi.
– Khi ấn vào nướu sẽ có mủ chảy ra.
– Khi nhai có cảm giác không bình thường.
– Răng bị lung lay
– Răng duy chuyển và thưa ra.
Bệnh nha chu diễn biến qua những giai đoạn nào?
Bệnh tiến triển rất thầm lặng nên người bệnh thường ít chú ý. Các nướu bị sưng to rồi tự xẹp xuống làm người bệnh lầm tưởng là bệnh tự lành. Cứ thế, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời thì lớp mô nâng đỡ răng, dây chằng sẽ bị phá hủy và làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng sẽ mất răng dù răng còn nguyên vẹn, không bị sâu.
Tác hại của bệnh nha chu
Ngoài việc phá hủy các mô nâng đỡ xung quanh răng, làm tiêu xương ổ răng, làm lung lay răng, bệnh nha chu còn gây ra tình trạng hôi miệng làm người bệnh mất tự tin trong giao tiếp, bị cô lập trong cuộc sống. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra các biến chứng như làm đau vùng thái dương, gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc ăn uống, gây ra chứng đau dạ dày ở người bị nha chu.
Điều trị và chữa bệnh nha chu
Nếu bệnh nha chu được chẩn đoán đang trong giai đoạn đầu của viêm nướu răng, thì bệnh có thể được điều trị bằng thủ thuật làm sạch răng.
Nếu bệnh đã tiến triển qua giai đoạn viêm nướu răng đến giai đoạn viêm nướu răng nặng, thì việc điều trị sẽ liên quan đến quy trình gọi là “làm sạch đáy” hay “nạo chân răng,” thủ thuật này liên quan đến việc làm sạch mảng bám và làm láng mặt gốc răng để cạo sạch cao răng và loại sạch những lớp mảng bám có vi khuẩn phía dưới viền nướu để nướu xung quanh làm lành thương. Thủ thuật này có thể phải được thực hiện nhiều lần, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nha chu của bạn.
Trường hợp bệnh nha chu đã ở giai đoạn nặng, khi các túi mủ nha chu đã ăn sâu giữa răng và nướu, thì cần phải giải phẫu để nha sĩ làm sạch hoàn toàn chân răng và loại bỏ các túi mủ nha chu. Khi thiếu nướu, thì sẽ tiến hành thủ thuật ghép nướu.
Trong một số trường hợp của bệnh nha chu, khi nướu và ổ xương răng đã bị hư hoại một phần, thì sẽ sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật nhất định để hỗ trợ việc tái tạo những mô này. Các tiến bộ về sử dụng dược phẩm để điều trị bệnh nha chu cũng được sử dụng. Các loại dược phẩm kháng sinh hoặc kháng thể ở địa phương, cũng như những loại dược phẩm kiểm soát kháng tố của cơ thể với vi khuẩn gây bệnh, có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là bước cơ bản quyết định sự thành công trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh nha chu. Khi bị sưng nướu bệnh nhân càng phải chú ý giữ vệ sinh răng miệng kỹ hơn (bằng các loại bàn chải mềm với kem chải răng nha chu) để làm sạch các mảng bám thức ăn trên răng, và đến khám tại các cơ sở nha khoa để được điều trị kịp thời và đúng đắn.
Cách phòng bệnh nha chu
Bệnh nha chu có thể phòng ngừa được dễ dàng bằng những biện pháp tại nhà hằng ngày:
1. Tránh hút thuốc lá
2. Chải răng đúng phương pháp, chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
– Không chải răng bằng phương pháp chải ngang vì khó làm sạch được các mảng bám ở viền nướu, khe răng; mặt khác, dễ gây hại nướu và răng.
– Luôn dùng bàn chải mềm, khi chải răng ta chải theo chiều dọc từ viền nướu đến bờ cắn của răng. Bàn chải được đặt nghiêng sao cho có thể chải bờ viền giữa răng và nướu, lấy sạch các mảng bám ở viền nướu và khe răng.
– Bờ viền răng là nơi mảng bám hình thành đầu tiên, do đó phải đặc biệt chú ý đến nơi này.
2. Sử dụng chỉ tơ nha khoa để lấy đi các mảng bám, mảnh vụn thức ăn ở khe răng. Không nên dùng tăm xỉa răng đâm xọc qua các khe răng vì sẽ gây hở khe răng, gây chảy máu lâu dần sẽ đưa đến viêm nướu. Cần cẩn thận khi dùng tăm xỉa răng.
3. Khám răng định kỳ và thường xuyên tại phòng Nha để nha sĩ phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Bệnh nha chu được phát hiện sớm sẽ điều trị được dễ dàng. Nếu không điều trị sớm, bệnh tiến triển nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, phức tạp, tốn kém nhiều, kết quả ít khả quan.